Ô đầu là một dược liệu có tác dụng điều trị đau nhức, sưng viêm, tuy nhiên dược liệu có độc tính cao cần thận trọng khi sử dụng.
Dược liệu ô đầu
Đặc điểm thực vật của ô đầu
Cây ô đầu thuộc được coi là vị thuốc đông y, loại cỏ mọc hàng năm cao chừng 0,6 – 1m, rễ phát triển thành củ có hình nón, thân mọc thẳng đứng ít có cành. Lá mọc so le, hình dáng và kích thước của lá khác nhau chút ít tuỳ theo loài. Hoa lưỡng tính, không đều, có màu xanh lơ thẫm hay xanh tím, mọc thành chùm ở ngọn thân. Có 5 lá đài, trong đó có 1 cái khum thành hình mũ. Quả có 5 đại mỏng, hạt có vảy.
Âu ô đầu thường mọc ở châu Âu. Ô đầu Trung Quốc mọc hoang và trồng ở Trung Quốc. Ô đầu Việt Nam mọc hoang và trồng ở vùng núi cao như Hà Giang, Lào Cai. Ô đầu trồng bằng hạt hoặc bằng các củ con. Ô đầu trồng ở vùng khí hậu lạnh, ẩm, đất hơi cao dễ thoát nước, cây ưa đất mùn, đất cát. Vào khoảng tháng 11 hàng năm thì thu hoạch, lấy củ to làm thuốc, củ non để trồng. Có nơi trồng vào tháng 3, tháng 4, có nơi trồng vào mùa đông.
Người ta thường thu hoạch khi trồng được 1 đến 2 năm, cắt bỏ rễ non, rửa sạch đất, phơi hay sấy khô. Ở nước ta thu hái từ tháng 7 đến tháng 10 khi cây đang ra hoa, trồng vào tháng 1-2. Chế biến: tuỳ theo cách chế biến mà có các vị khác nhau.
Chọn củ to, rửa sạch, cho vào vại, thêm Magie clorid, muối ăn và nước (cứ 100kg phụ tử dùng 40kg magie clorid 30kg muối, 60 lít nước), ngâm 10 ngày lấy ra phơi khô, rồi lại cho vào vại ngâm, cứ ngày phơi tối ngâm, nước bao giờ cũng sâm sấp củ, thỉnh thoảng thêm magie clorid, muối, nước để đảm bảo nồng độ ban đầu, cuối cùng vớt ra phơi nắng để muối thấm vào đến giữa củ mặt ngoài thấy muối kết tinh trắng là được.
- Hắc phụ tử (hắc phụ):
Lấy củ trung bình rửa sạch cho vào vại thêm magie clorid và muối (10kg phụ tử + 40kg magie clorid 20 lít nước) ngâm vài ngày, sau đó đun sôi 2 – 3 phút, lấy ra rửa sạch, để cả vỏ thái thành miếng mỏng 5mm, ngâm magie clorid và nước lần nữa, sau đó thêm đường đỏ và dầu hạt cải để tẩm và sao cho đến khi có màu sẫm như nước chè đặc sau đó rửa nước cho đến hết vị cay tê đem phơi, sấy khô.
- Bạch phụ tử (bạch phụ):
Lấy củ nhỏ rửa sạch, cho vào vại ngâm với magie clorid và nước vài ngày, sau đun đến chín tới giữa củ, lấy ra bóc vỏ đen bỏ đi, thái miếng nhỏ chừng 3mm, rửa hết vị cay tê hấp chín, phơi khô. Bộ phận dùng ô đầu thường là củ mẹ (ô đầu), củ con (phụ tử). Rễ củ ô đầu Việt Nam hình con quay dài 3-5cm, đường kính 1-2,5cm, phía trên củ ô đầu có vết của thân cây, mặt ngoài màu nâu đen có nhiều nếp nhăn dọc và vết của rễ con đã loại ra, cứng chắc, rắn và dai khó bẻ, vị nhạt sau hơi chát và hơi tê lưỡi.
Phụ tử có hình con quay dài 3,5-5cm, phía trên to đường kính 1,5-2,5cm, có vết nối với củ mẹ, không có vết tích của thân cây, phía dưới thuôn nhỏ dần, mặt ngoài màu nâu đen, có nhiều nếp nhăn dọc vòng quanh (có một số rễ nhánh lồi lên như cái bướu), cứng chắc khó bẻ, vết cắt có màu nâu xám, vị nhạt sau hơi chát và hơi tê lưỡi.
Ô đầu chữa được nhiều bệnh và có những công dụng phổ biến khác nhau
Công dụng và liều dùng của ô đầu
Ô đầu phụ tử chưa chế biến thường là thuốc dùng ngoài để xoa bóp khi đau nhức, mỏi tay chân, đau khớp, bong gân dùng dạng cồn aconit 10% của bột (1g cồn thuốc = 57 giọt) hoặc thái mỏng ngâm rượu để xoa bóp. Có thể dùng trong để giảm đau, các bệnh đau dây thần kinh sinh ba, giảm viêm trong các bệnh viêm thanh quản, phế quản, họng: dùng chữa ho. Ngày dùng 0,20-1,00g (tức 10 giọt-57 giọt) cồn 10%, trẻ em 1-2 giọt cho mỗi tuổi trong 24 giờ.
Phụ tử chế (diêm phụ, hắc phụ, bạch phụ) y học dân tộc coi là một vị thuốc hồi dương, khử phong hàn, dùng chữa một số triệu chứng nguy cấp như truỵ tim mạch, ra nhiều mồ hôi, chân tay giá lạnh. Ngày dùng 4 – 12g dạng thuốc sắc có khi dùng liều cao hơn. Thường phối hợp với nhân sâm, can khương tuỳ theo kinh nghiệm của thầy thuốc. Phụ tử chế được dùng trong bài thuốc bát vị hoàn.
Nguồn: sieuthithuocviet.edu.vn