Xã hội hiện đại, chúng ta được tiếp cận với nhiều kiến thức khoa học, có nhiều hiểu biết hơn về các vi chất dinh dưỡng để trẻ phát triển một cách toàn diện hơn.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi chuyên gia y tế Đỗ Thị Thu – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP.HCM.
Vi chất dinh dưỡng là gì?
Vi chất dinh dưỡng là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhưng lượng chất mà cơ thể cần dùng lại rất nhỏ chỉ được tính bằng mg hoặc mcg. Vi chất dinh dưỡng có vai trò không thể thiếu trong quá trình tăng trưởng, phát triển, duy trì và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ em.
Vai trò của các vi chất dinh dưỡng
Với mỗi giai đoạn phát triển, mỗi độ tuổi mà cơ thể cần những lượng vi chất khác nhau. Dưới đây là thành phần các vi chất dinh dưỡng và lượng chất trong từng giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của trẻ:
Vitamin A là một trong những vitamin loại tan trong dầu. Vitamin A có rất nhiều tác dụng như bảo vệ mắt, chống bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, đặc biệt ở trẻ nhỏ, vitamin A giúp trẻ tăng trưởng tốt, phát triển răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Khi trẻ bị thiếu vitamin A có thể gặp nguy cơ thoái hoá, sừng hoá các tế bào biểu mô, giảm chức năng bảo vệ cơ thể. Ở độ tuổi đang phát triển, nếu trẻ thiếu vitamin A sẽ gây bệnh khô mắt dẫn đến sẹo giác mạc và mù lòa vĩnh viễn. Khi trong gia đình có trẻ nhỏ chúng ta cần tìm hiểu nhu cầu vitamin A cho từng lứa tuổi để bổ sung đủ cho trẻ. Cụ thể, với trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi nhu cầu vitamin A là 400 mcg/ngày, 4-6 tuổi 450 mcg và 7-9 tuổi 500 mcg/ngày. Lưu ý, các bé gái vị thành niên nhu cầu cao, 600 mcg/ngày.
Vitamin D rất cần thiết cho trẻ nhỏ. Từ lúc trẻ sơ sinh đủ 14 ngày tuổi trẻ đã bắt đầu cần được cung cấp vitamin D cho cơ thể. Hơn nữa theo các tổ chức y tế, trẻ nhỏ cần được cung cấp vitamin D cho tới khi đủ 2 tuổi. Ở những tháng tuổi đầu đời vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi, photpho và hình thành và ổn định xương. Bắt đầu từ tháng thứ 6 vitamin D cùng với canxi giúp hình thành và duy trì răng. Nếu cơ thể trẻ bị thiếu vitamin D có thể gây ra một số hệ lụy như giảm quá trình khoáng hóa canxi từ xương, trầm trọng hơn có thể dẫn tới còi xương, ở người lớn gây loãng xương, cường năng tuyến cận giáp và tăng huy động canxi từ xương.
Chia sẻ tại tin tức y dược, chuyên gia Đỗ Thị Thu – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP.HCM) cho biết: Vitamin E là tập hợp của nhiều thành phần tự nhiên với các chức năng vô cùng đa dạng. Vitamin E có tác dụng chống oxy hoá, bảo vệ chất béo, nhất là các acid béo chưa no nhiều nhánh, bảo vệ màng tế bào. Ngoài ra, vitamin E còn được biết đến với chức năng phát triển và sinh sản, phòng chống ung thư và đục thủy tinh thể. Nhu cầu vitamin E đối với trẻ 6-11 tháng là 4 mg/ngày, 1-9 tuổi 5-6 mg/ngày và vị thành niên 12 mg/ngày.
Kẽm là một vi khoáng được nhiều người biết đến với các chức năng sinh học như miễn dịch, chữa lành vết thương, tiêu hóa, sinh sản, phát triển thể lực, sinh sản, giúp trẻ ăn ngon miệng, kiểm soát bệnh tiểu đường. Khi trẻ nhỏ thiếu kẽm có thể nhìn thấy các biểu hiện như trẻ chậm lớn, giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Việc bổ sung kẽm cũng như các vi chất khác sẽ phụ thuộc vào độ tuổi nhất định. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn cung cấp kẽm hoàn toàn đủ cho bé. Trẻ lớn hơn, trước khi bổ sung kẽm cần đưa trẻ đi kiểm tra và bổ sung theo sự kê đơn và chỉ định của bác sĩ.
Iod là vi chất giúp tuyến giáp trạng hoạt động bình thường, có tác dụng phòng bệnh bướu cổ và thiểu năng trí tuệ. Thiếu iod có thể dẫn tới làm chậm sự phát triển của não bộ. Với phụ nữ mang thai, nếu thiếu iod có thể dẫn tới nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong trước/ sau sinh và chứng đần độn.
Trên đây là một số vi chất dinh dưỡng quan trọng góp phần tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Để trẻ có sự phát triển một cách hoàn thiện các bậc phụ huynh cần tìm hiểu các thành phần vi chất để có biện pháp bổ sung hợp lý.
Nguồn: sieuthithuocviet.edu.vn