Viêm não Nhật Bản là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra làm tổn thương đến thần kinh, thường hay gặp ở trẻ em gây ra những hậu quả nặng nề.
Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm như thế nào?
Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh lý truyền nhiễm do virus viêm não Nhật Bản gây ra, lây truyền qua vết muỗi đốt với nguồn bệnh chủ yếu là các loài chim hoang dã và gia súc như lợn, ngựa. Loài muỗi truyền bệnh là muỗi Culex, là loài muỗi có màu nâu, hoạt động mạnh vào lúc chập tối, sống ở ngoài ruộng, ao hồ, sinh sản mạnh vào mùa hè, làm bùng phát dịch vào mùa hè, nhất là khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7.
Bệnh viêm não Nhật Bản có nguy hiểm
GV Lê Ngoan chia sẻ tại Tin Y Dược: Với thể điển hình, thời gian ủ bệnh khoảng 5 – 14 ngày, thường là 1 tuần, thời gian này bệnh nhân không có triệu chứng. Bước vào giai đoạn toàn phát, bệnh khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao trên 39 độ, kèm đau đầu, đau bụng, nôn và buồn nôn. Bệnh nặng lên dần với các triệu chứng của thần kinh như cứng gáy, lú lẫn, mất ý thức, da xung huyết đỏ , ở một số trẻ có thể có biểu hiện của đi ngoài phân lỏng, đau bụng, giống như triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.
Bệnh viêm não Nhật Bản có nguy hiểm
Đến giai đoạn toàn phát, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh, các triệu chứng thần kinh biểu hiện nặng nề hơn, bệnh nhân mất dần ý thức, hôn mê, kích thích vật vã, ảo giác, kích động, có thể xuất hiện các cơn xoắn vặn, co cứng cơ hoặc rung giật cơ ở mặt, chi. Bệnh nhân vã mồ hôi nhiều, da lúc đỏ lúc tái, rối loạn nhịp thở, tăng tiết lòng khí phế quản, mạch nhanh, yếu, huyết áp tăng. Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh rất nguy hiểm vì virus gây bệnh xâm nhập và làm tổn thương tế bào não, khiến cho bệnh nhân có thể tử vong. Tuy nhiên, khi vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân vẫn phải hứng chịu những di chứng do bệnh để lại do tổn thương thần kinh như liệt vận động, rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê, nghe kém, điếc…Một trong những vấn đề khó khăn trong điều trị bệnh là giai đoạn khởi phát, bệnh có triệu chứng chủ yếu chỉ là sốt cao nên rất dễ nhầm với các bệnh khác, bệnh diễn biến nhanh nên gây nguy cơ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề do đó việc phòng ngừa bệnh có vai trò rất quan trọng.
Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản cần phòng chống lại trung gian truyền bệnh là muỗi bằng cách thường xuyên khơi thông dòng nước, xử lý những nguồn nước nhỏ như bể nước, bể cá, vũng nước, chậu nước…hoặc thả cá để tiêu diệt bọ gậy. Những khu vực gần với đồng ruộng cần được điều tiết nước kết hợp thả cá. Nên đặt chuồng trại, khu chăn nuôi xa nhà ở. Nếu trẻ em bị sốt cao nên đưa đến các cơ sở y tế để loại trừ viêm não Nhật Bản sớm.
Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản như thế nào?
Điều quan trọng là cần tiêm vacxin để phòng ngừa bệnh cho trẻ. Tại Việt Nam, vacxin viêm não Nhật Bản cho trẻ em có 3 mũi cơ bản. Mũi thứ nhất tiêm lúc trẻ 1 tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tuần, mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 khoảng 1 năm, sau đó cứ mỗi 3 năm tiêm nhắc lại cho trẻ 1 lần cho đến khi đủ 15 tuổi. Với vacxin thế hệ mới thì có thể tiêm khi trẻ đủ 9 tháng trở lên, và chỉ cần tiêm từ 1 đến 2 mũi.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu viêm não Nhật Bản do đó việc phòng bệnh, đặc biệt là tiêm vacxin là vô cùng quan trọng, nhất là với trẻ em.
Nguồn: https://sieuthithuocviet.edu.vn