270 lượt xem

Dược liệu thôn dã dành cho sức khoẻ – Mướp khía

Mướp khía là loại thực phẩm quen thuộc với nhiều gia đình Việt Nam, mướp khía thường có trong các bữa cơm gia đình hàng ngày. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về loại quả này cũng như tác dụng chữa bệnh mà nó mang lại.

Mướp khía là cây thân leo, sống quanh năm

1. Đặc điểm thực vật của mướp khía

Trong dân gian, mướp khía có nhiều tên gọi khác nhau như ve hom, mướp tàu…, mướp khía thuộc họ bầu bí – tên khoa học Luffa acutangula L.

Theo Giảng viên dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur: Mướp khía là cây thân leo, sống quanh năm, độ dài thân leo trung bình từ 3 đến 6m, đường kính thân cây vào khoảng 2cm và trên thân có nhiều rãnh. Lá có hình tim, bề ngang lá khoảng 25cm và chiều dài từ 15 đến 20cm. Lá mọc so le trên thân và mép lá có răng cưa. Hoa mướp khía là hoa đơn tính, cánh hoa có màu vàng tươi, bên trong hoa có 5 nhị. Hoa đực mọc theo từng chùm còn hoa cái mọc riêng lẻ một mình, phần vòi nhụy có lông màu vàng, mềm và ngắn, đầu nhụy có 3 núm nhỏ. Quả mướp khía thuôn dài, chiều dài quả khoảng 30 đến 40 cm, dọc phần thân quả có các cạnh nhọn. Khi quả chín, phần hạt bên trong sẽ chuyển dần thành màu đen và sần sùi.

Mướp khía là loài cây ưa ánh sáng, cây sinh trưởng và phát triển nhanh ở những nơi ẩm ướt. Do đó khi gieo trồng cần chú ý chăm sóc, tưới nước thường xuyên. Vào tháng 4 đến tháng 6 cây cho trái rất nhiều.

2. Thành phần hóa học có trong mướp khía

Mướp khía rất giàu các loại protein thiết yếu như momordin, trichokirin, trichosanthin và các triterpenoid A, B, C, D, E, F, G… Trong nhân hạt có chứa pentosan, chất béo, sợi, đường khử, các loại protein thô và tro. Phần rễ cây có cucurbitacin C và B.

3. Công dụng mướp khía dành cho sức khỏe

  • Dây mướp khía giúp lưu thông kinh hoạt lạc, chỉ khái hóa đàm, điều trị hiệu quả các triệu chứng viêm mũi, ho, chữa viêm khí quản, đau lưng.
  • Rễ cây giúp thanh nhiệt, giải độc, dùng chữa viêm xoang, viêm mũi và viêm da.
  • Mướp khía không chỉ là thực phẩm thơm ngon mà còn có nhiều công dụng cho sức khỏe
  • Hạt mướp khía giúp tiêu nhiệt, thông tiểu, nhuận táo, hóa đàm.
  • Phần lá cây có công dụng thanh mát giúp giải nhiệt, chữa mụn nhọt, ho khan, ngừa mất nước do thời tiết nắng nóng.
  • Theo giảng viên Cao đẳng Dược xơ mướp được dùng trị tiêu thũng, giúp lợi niệu, hoạt huyết thông kinh lạc, chữa tắc sữa, phụ nữ bế kinh, bị đau vùng ngực sườn và đau nhức xương cốt.
  • Người dân Ấn độ thường dùng mướp khía trị hen suyễn, lợi tiểu, lá lách to, cải thiện tình trạng táo bón và các vấn đề về da. Chế biến hạt thành thuốc kích thích nôn, giúp long đờm, quả chữa vàng da, rễ giúp điều hòa kinh nguyệt, chữa rối loạn đường tiết niệu và chữa sốt.
  • Người dân Campuchia thường dùng phần thân và rễ để sắc nước uống giúp lợi sữa, làm nước súc miệng.
  • Người dân Thái Lan dùng thân, lá và rễ để giúp hạ sốt.
  • Người dân Indonesia: dùng hạt tán thành bột để chữa sốt rét và hạ sốt.

4. Những lưu ý khi dùng mướp khía

Trong hạt mướp khía có chứa protein có thể gây dọa sảy thai và gây bất hoạt ribosome. Ngoài ra, một số hợp chất trong hạt còn gây ức chế trypsin – enzyme tiêu hóa trong ruột non ở người. Bên cạnh đó, dầu trong hạt sẽ gây cảm giác buồn nôn và tiết ra nhiều nước bọt.

Theo tư vấn sức khoẻ mướp khía có thể gây ra tác dụng phụ táo bón do đó khi gặp phải tình trạng này có thể dùng thêm vừng đen vào bài thuốc để hạn chế tình trạng táo bón bên cạnh đó cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh. Phụ nữ mang thai muốn dùng mướp khía cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

5. Những bài thuốc hay từ mướp khía

  • Điều trị viêm xoang: dùng 10 đến 20g thân mướp khía phối hợp cùng 8 đến 12g thân cây sim đem đem sắc với nước.
  • Điều trị hen suyễn: dùng 20g xơ mướp đem băm nhỏ, 12g hạt đay giã dập nhỏ. Đem 2 dược liệu này sao vàng. Sau đó, trộn đều và đun với nước, uống khi còn ấm. Uống liên tục 2 lần/ngày và duy trì từ 2 đến 3 ngày.
  • Điều trị kiết lỵ, rong kinh, băng huyết và xuất huyết trĩ: dùng xơ mướp đem đốt tồn tính (không đốt cháy thành tro chỉ cháy khoảng 70%) sau đó tán thành bột. Mỗi lần dùng khoảng 4 đến 8g, hòa cùng nước ấm và uống 2 lần/ngày.
  • Điều trị viêm tuyến vú và bị tắc tia sữa: dùng xơ mướp khía cùng củ hành tươi, bồ kết. Đem tất cả băm nhỏ và đun cùng khoảng 400ml nước, cho đến khi lượng nước cạn còn khoảng 100ml. Uống 2 lần/ngày, uống liên tục từ 2 đến 3 ngày. Có thể kết hợp cùng massage ngực để thông tắc tia sữa.
  • Điều trị sởi: Dùng xơ mướp: 20g, cam thảo nam: 4g, cỏ mần trầu: 8g, kim ngân: 12g, bạch chỉ:12g, kinh giới: 12g. Đem thái nhỏ tất cả nguyên liệu sau đó sao vàng rồi sắc nước, uống ngày 2 lần.

Tóm lại, mướp khía bên cạnh giá trị dinh dưỡng cao còn chứa nhiều dưỡng chất có công dụng điều trị các bệnh lý khác nhau. Quả mướp khía tuy khá lành tính nhưng khi cần sử dụng những bộ phận khác cần dùng theo liều lượng hợp lý và sử dụng thận trọng.

Nguồn theo: sieuthithuocviet


Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in /home/thuocviet/domains/sieuthithuocviet.edu.vn/public_html/wp-includes/functions.php on line 5697

Bài viết cùng chuyên mục: