600 lượt xem

Kim ngân hoa: vị thuốc vương dược “giải độc”

Kim ngân hoa là thảo dược quý được biết đến với nhiều tác dụng chữa bệnh như kháng viêm, chống khuẩn, trị tiêu chảy, lở ngứa, sốt xuất huyết…

Kim ngân hoa

Ngoài ra nó là loài cây được biết đến nhiều với tác dụng làm cảnh để sinh tài lộc, may mắn cho gia chủ ở Việt Nam. Bạn cùng tôi tìm hiểu về loài hoa này với tác dụng chữa bệnh cụ thể của nó qua bài viết sau:

Đặc điểm chung dược liệu Kim ngân hoa

  • Tên khác:    Nhẫn đông, song bào hoa, nhị hoa, kim đằng
  • Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb
  • Họ: Kim ngân hay cơm cháy  ( Caprifoliaceae )

Mô tả đặc điểm thực vật:

Kim ngân là loại dây leo. Cành lá còn non có màu xanh nhạt và lông mịn. Cành già chuyển dần màu nâu đỏ và không còn có lông bao quanh.

Lá mọc đôi hoặc 3 lá một, hình trứng có đầu thon nhọn, cuống ngắn và có lông mịn.

Hoa mọc thành chùm gồm 2 – 4 hoa. Hoa có hình ống xẻ ở hai bên, bên lớn xẻ thành ba hoặc bốn thùy nhỏ.. Lúc mới nở, hoa có màu trắng sau chuyển dần sang vàng nên được đặt tên là kim ngân.

Trong cùng một lúc trên cây có cả hoa mới nở và hoa đã già, nên có màu trắng giống bạc và màu vàng như vàng nên cây được gọi là cây vàng bạc

Quả mọng, hình cầu, màu đen, dài chừng 4-5mm.

Mùa hoa vào tháng 3-5, mùa quả tháng 6-8.

Phân bố

Cây kim ngân có ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên, các nước đông Bắc Mỹ hay Nhật Bản và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, …

Kim ngân có thể sống được ở cả đồng bằng và miền núi. Ngày nay, thảo dược này còn được trồng để làm cảnh, lấy bóng mát trước nhà.

Thu hái – Sơ chế:

Sau khoảng 1 năm kể từ lúc trồng Kim ngân bắt đầu được thu hoạch.

Tùy theo mục đích dùng mà thu hoạch hoa, thân, cành, lá hay tất cả.

Với kim ngân hoa: chỉ hái những hoa sắp nở hoặc mới nở và chưa chuyển sang sắc vàng.

Hoa được đem về phơi khô, sấy để làm thuốc.

Bộ phận dùng làm thuốc

Cành, hoa, lá, thân kim ngân đều có thể dùng làm thuốc.

Tuy nhiên hoa là bộ phận được dùng phổ biến nhất. Gọi là Kim Ngân hoa

Kim ngân hoa

Thành phần hóa học:

Dược sĩ liên thông Cao đẳng Dược cho biết Kim ngân có hơn 140 hoạt chất đã được phân lập, nhưng chủ yếu là tinh dầu, các acid hữu cơ và flavon.

Hoa kim ngân chứa nhiều tinh dầu bao gồm các chất như: có α-pinen, geraniol, carvacrol, eugenol, đặc biệt là flavonoid gồm: luteolin, luteolin-7-glucosid, lonicerin, axit clorogenic, …

Cành và lá chứa saponin, axit clorogenic.

Công dụng – Tác dụng Kim ngân hoa:

*Theo Y học cổ truyền

Trong các sách y thư y học cổ truyền gần như thống nhất Hoa kim ngân có tác dụng “giải độc” Giải độc này được hiểu như là tác dụng kháng khuẩn của kim ngân vậy.

Kim ngân có vị ngọt nhạt, tính lạnh, không độc có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, sát trùng.

Quy vào 3 kinh: Phế, Tâm. Vị

*Theo Y học hiện đại

Tác dụng kháng khuẩn

Đã được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh trong thực nghiệm tính kháng khuẩn. Thấy nước dịch chiết hoa Kim ngân có tác dụng ức chế rất mạnh với tụ cầu, vi khuẩn thương hàn, lỵ trực trùng, E.coli, phế cầu, liên cầu khuẩn tiêu huyết.

Tác dụng kháng virus

Thành phần kim ngân được chiết xuất có axit chlorogenic, flavonoid, acid caffeoylquinic, và iridoid glycoside. Các hoạt chất này có thể ức chế Herpes simplex trong viêm giác mạc, virus trong viêm phổi, và bệnh cúm.Còn ức chế một số virus như virus hô hấp hợp bào, influenza B và influenza A3…

Tác dụng chống viêm

Kim ngân có thể ức chế sản xuất histamine và giảm đáng kể prostaglandin E 2 (hoạt chất được giải phóng ra trong quá trình viêm). Hoạt tính chống phụ thuộc vào thời gian ra hoa.

Tác dụng chống oxy hóa

Kim ngân có tác dụng chống oxy hóa, tác dụng này bằng con đường ức chế phản ứng chuỗi gốc tự do trong dầu.

Tăng hệ miễn dịch

Kim Ngân hoa này “hiệu triệu” được số lượng lớn đại thực bào và tế bào lympho. Do đó, thảo dược có tác dụng tăng hoạt động của miễn dịch tế bào và cả miễn dịch thể dịch.

Tác dụng trên đường huyết

Các nhà khoa học đã thử nghiệm cho thỏ uống nước sắc hoa kim ngân. Kết quả so với những con không uống, những con thỏ uống nước sắc có lượng đường huyết cao hơn hẳn và kéo dài 5 – 6 giờ mới trở lại bình thường.

Không độc tố

Giáo sư Đỗ Tất Lợi nghiên cứu về tác dụng của kim ngân hoa, cho biết, kim ngân hoa không có độc tố. Ông và các cộng sự đã cho chuột thực nghiệm uống rất nhiều nước sắc của thảo dược nàyvới hàm lượng gấp 150 lần so với liều điều trị cho con người. Kết quả, ông và mọi người nhận thấy các bộ phận đều bình thường khi giải phẫu cơ thể chuột,

Công dụng: Do đó, với những tác dụng của kim ngân hoa được sử dụng chữa trị các chứng bệnh như:

Rối loạn tiêu hóa : đau và sưng (viêm) ruột non, viêm ruột và kiết lỵ

Nhiễm khuẩn, Nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm: cảm lạnh, cúm, viêm phổi

Sưng não (viêm não),Sốt

Vết viêm loét, Bệnh Giang mai

Các bài thuốc chữa trị bằng Kim ngân hoa

Chữa trị tiêu chảy:

Kim ngân hoa dùng khoảng 2 – 5g. sắc dưới dạng thuốc sắc, thuốc cao.

Uống hàng ngày và  giảm dần liều lượng khi tình trạng tiêu chảy đã thuyên giảm và ngừng uống khi đã hoàn toàn bình phục.

Chữa trị cảm cúm:

– Kim ngân hoa 4g, kinh giới, cam thảo đất, sài hồ nam, lá tía tô mỗi vị 3g, mạn kinh 2g, gừng 3 lát,. Sắc uống, để nguội khoảng 30 phút thì uống 1thang/ngày.

– Kim ngân hoa 6g và cam thảo 3g, nước 200ml. Sắc còn 100ml, uống trong ngày chia 2–3 lần.

Chữa trị sởi:

Kim ngân hoa và cỏ ban mỗi vị 30g.

Dùng diệu liệu tươi, đem giã nhỏ hòa thêm nước, lọc bỏ bã, uống nước.

Có thể dùng dược liệu khô, sắc uống.

Chữa trị đau họng, quai bị:

Kim ngân 16g; Bạc hà và cam thảo ( mỗi vị 4g ); Cát cánh và tinh giới tuệ ( mỗi vị 8g); Ngưu bàng tử và liên kiều ( mỗi vị 12g), đậu xị (18g).

Tất cả gộp thành 1 thang đem sắc uống.

Chữa trị ruột thừa, viêm phúc mạc:

Kim ngân hoa 120g, đương quy và huyền sâm mỗi vị 80g, hoàng cầm 16g, địa du 40g, cam thảo 12g, ý dĩ nhân 20g, mạch môn 40g, sắc uống, nên để nguội 30 phút rồi uống.

Chữa trị mụn nhọt sắc đỏ biến thành đen:

Kim ngân (cả cành, lá) 80g, hoàng kỳ 160g và cam thảo 40g.

Thái nhỏ cả 3 vị thuốc, dùng 500ml rượu ngâm, chưng khoảng 2 – 3 giờ, lọc bỏ bã, uống dần.

Chữa trị phát bối, nhọt độc:

Kim ngân hoa 160g và cam thảo (sao) 40g.

Đen tán 2 vị này thành bột, mỗi lần dùng 16g,

Nếu sắc: sắc với 1 chén rượu, 1 chén nước, còn 1 chén, lọc bỏ bã, uống nóng.

Chữa trị phát bối, ung nhọt mới phát:

500g hoa kim ngân và 80g đương quy

Đem sắc hoa kim ngân với 10 chén nước săc cạn còn 2 chén. Tiếp tục cho đương quy vào sắc tiếp còn 1 chén thì gạn ra uống.

Chữa trị sưng đau và viêm vú do tắc sữa (áp xe vú):

Kim ngân hoa, đương quy, hoàng kỳ (nướng mật) và cam thảo mỗi vị 10g.

Sắc, sau đó thêm nửa chén rượu, uống.

Chữa trị bầu vú có khối kết, sưng to, đỏ, chảy dịch:

Kim ngân hoa, hoàng kỳ (sống) mỗi vị 20g, đương quy 32g, cam thảo 4g, lá ngô đồng 50 lá.

Sắc cùng nước 1/2 chén, rượu 1/2 chén, sắc uống.

Chữa trị ung nhọt, dị ứng, mẩn ngứa:

– Kim ngân hoa 10g và ké đầu ngựa 4g, nước 200ml. Sắc còn 100ml, uống trong ngày chia 2 lần.

– Kim ngân 6g (hoa) hoặc 12g (lá và cành), nước 100ml, sắc còn 10ml, thêm 4g đường.

Người lớn uống 20-24 liều trên, trẻ nhỏ 10 -12 liều..

Chữa trị ruột thừa viêm cấp hoặc phúc mạc viêm:

Kim ngân hoa 120g, mạch môn và địa du mỗi vị 40g, hoàng cầm 16g, cam thảo 12g, huyền sâm  và đương quy mỗi vị 80g, hạt ý dĩ 20g, Đem sắc uống. 1 thang/ngày

Dự phòng bệnh viêm não:

 Kim ngân hoa, bồ công anh và hạ khô thảo mỗi vị 20g, sắc uống.Mỗi ngày 1 thang.

Chữa trị viêm gan vi rút

16g kim ngân, hoàng cầm, hoạt thạch, đại phúc bì và mộc thông mỗi vị 12g. phục linh ,trư linh, đậu khấu mỗi vị 8 g, 16g xa tiền, 20g nhân trần, 4g cam thảo,

Sắc uống 1 thang/ngày cho đến khi khỏi bệnh

Trà Hoa kim ngân khô

Dược sĩ văn bằng 2 cao đẳng dược Hà Nội chia sẻ khi sử dụng vị thuốc Kim ngân hoa

– Phụ nữ không nên uống trong lúc hành kinh. Uống quá nhiều sẽ gây phản tác dụng phụ.

– Trà kim ngân có tác dụng chống viêm và hạ sốt rất tốt nhưng không nên uống thường xuyên.

Nó sẽ khiến cơ thể yếu đi và gây mất cân bằng giữa âm và dương.

– Không có lợi cho tiêu hóa vì Kim ngân có tính chất lạnh sẽ ngăn cản chức năng của đởm và dạ dày. Vì vậy, cho dù sử dụng trà kim ngân như một thức uống thông thường hoặc sử dụng nó để chữa bệnh, cũng không được uống lâu.

Như vậy, vương dược Kim ngân hoa đã được làm sáng tỏ từ góc nhìn khoa học. Với sự đồng thuận cao trong y thư kinh điển. Kim ngân hoa lan đã tỏa trong đời sống hằng ngày nhưng trong vị thuốc giải độc vẫn giữ được vị trí đầu bảng. Thảo dược thường được dùng trong bệnh cảm mạo có sốt, viêm loét, tiêu chảy, lỵ. Cần lưu ý khi sử dụng kim ngân hoa trong thức uống hằng ngày. Và cũng không nên dùng lâu ngày. Bạn cần tham vấn ý kiến thầy thuốc chuyên môn trước khi sử dụng./.

Ds.CKI. Nguyễn Quốc Trung


Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in /home/thuocviet/domains/sieuthithuocviet.edu.vn/public_html/wp-includes/functions.php on line 5697

Bài viết cùng chuyên mục: