Thuốc Acetylcystein được sử dụng để chữa bệnh cho con người trong các trường hợp như thuốc giải độc do ngộ độc paracatamol hoặc các bệnh về phổi.
Công dụng của thuốc Acetylcystein
Trong y học hiện đại thuốc Acetylcystein được sử dụng như thuốc giải độc cho bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol. Ngoài ra Acetylcystein còn có công dụng điều trị tiết dịch đàm ở phổi, hỗ trợ điều trị các bệnh về phổi như viêm phế quản, hen phế quản, viêm phổi, khí phế thũng mãn tính.
Thuốc Acetylcystein thuộc nhóm thuốc long đờm nên chúng giúp làm loãng các chất nhầy, giúp chúng dễ dàng di chuyển và bị đào thải ra khỏi cơ thể.
Acetylcystein được sử dụng cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về đường hô hấp như có đờm nhày quánh ở người bị viêm phế quản mạn, cấp, thuốc sẽ hỗ trợ điều trị tích cực để giải đờm.
Với khả năng làm tiêu các chất nhày, giảm độ quánh của đờm sẽ giúp bệnh nhân tống đờm ra ngoài bằng các phản xạ ho, khạc hoặc dẫn lưu tư thế, cơ học…
3 lưu ý khi sử dụng thuốc Acetylcystein
Khi sử dụng thuốc Acetylcystein bác sĩ cần lưu ý những phản ứng thuốc đối với một số trường hợp bệnh nhân.
Đầu tiên, đối với bệnh nhân mắc hen, có tiền sử hen hoặc dị ứng với thuốc thì không nên sử dụng Acetylcystein vì nguy cơ phản ứng co thắt phế quản với tất cả các thuốc có chứa thành phần Acetylcystein.
Thị trường dược phẩm hiện nay có rất nhiều các sản phẩm chứa thành phần bởi vậy bác sĩ cân nhắc trước khi kê đơn cho bệnh nhân bị hen suyễn. Bệnh nhân cũng nên nói rõ tình trạng bệnh, tiền sử bệnh để bác sĩ tránh được các biến chứng khi dùng thuốc.
Thứ hai, không dùng thuốc Acetylcystein với các thuốc ho, thuốc giảm bài tiết phế quản. Trong quá trình điều trị dùng thuốc Acetylcystein cần phải hút đờm ra để giảm ho cho người bệnh bởi khả năng làm loãng đờm ở phế quản.
Thứ ba, lưu ý các tác dụng phụ: Các chuyên gia Cao đẳng Y Dược Hà Nội cho biết dùng thuốc Acetylcystein sẽ có các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau nhức đầu, viêm miệng, ù tai, buồn ngủ, chảy nhiều nước mũi, trên cơ thể xuất hiện phát ban, mày đay… ngoài ra bệnh nhân có thể gặp phản ứng dạng phản vệ toàn thân, co thắt phế quản nhưng hiếm gặp. Tuy nhiên bác sĩ cần loại trừ hết các trường hợp phản ứng phụ của thuốc đối với một số bệnh nhân.
Bên cạnh đó để hạn chế tình trạng nôn, buồn nôn khi dùng thuốc nên dùng dung dịch acetylcystein được pha loãng. Hoặc dùng thuốc kháng histamin để phòng, ức chế các phản ứng của cơ thể như phát ban, nôn mửa, chóng mặt….
Tương tác thuốc Acetylcystein
Các nhà thuốc Tân dược cho biết Acetylcystein sẽ có phản ứng với một số kim loại như đồng, niken, sắt, cao su….
Bởi dung dịch natri acetylcystein có các tương kỵ về lý hóa học với các dung dịch như penicilin, oxacilin, oleandomycin, amphotericin B, tetracyclin, erythromycin lactobionat, hoặc natri ampicilin. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng các thuốc kháng sinh trên ở dạng khí dung, riêng thuốc Acetylcystein phải phun mù riêng.
Bên cạnh đó, dung dịch acetylcystein cũng tương kỵ về lý học với dầu iod, trypsin và hydrogen peroxyd.
Nếu xử dụng quá liều thuốc Acetylcystein bệnh nhân gặp các triệu chứng bệnh như phản vệ, tan máu, đông máu rải rác nội mạch, suy hô hấp hoặc suy thận. Đã từng có trường hợp bệnh nhân bị tử vong bởi sử dụng thuốc Acetylcystein quá liều trong khi điều trị ngộ độc paracetamol nên không được lạm dụng thuốc hoặc dùng quá liều cao. Hoặc nguy cơ sốc phản vệ khi đang tiêm truyền thuốc với liều cao, tốc độ nhanh. Bởi vậy cần có sự chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc và sử dụng đúng theo hướng dẫn để tránh tác dụng phụ, biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: Sieuthithuocviet.edu.vn