1271 lượt xem

Đặc điểm và tác dụng của tang ký sinh

Tang ký sinh là vị thuốc có vị đắng, tính bình quy vào kinh can thận có tác dụng bổ can thận, trừ phong thấp, mạnh cân cốt, an thai…

Cây thuốc tang ký sinh
Cây thuốc tang ký sinh 

Tên tiếng Việt: Tang ký sinh, Tầm gửi cây dâu, Phoc mạy mọn (Tày).

Tên khoa học: Taxillus gracilifolius (Schult.f .) Họ: Loranthaceae

Đặc điểm thực vật của tang ký sinh

Cây nhỏ, ký sinh trên thân cây dâu tằm nhờ các rễ mút. Cành có hình trụ, khúc khuỷu, màu xám hay nâu đen. Lá mọc so le, hình bầu dục, dài 3 – 8cm, rộng 2,5 – 5cm, gốc thuôn hoặc hơi tròn, đầu tù đôi khi lõm, mép hơi lượn sóng, gân phụ cong; cuống lá ngắn. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm rất ngắn gần như hình tán; lá bắc nhỏ hình tam giác; hoa màu đỏ hoặc hồng tím; đài hình chùy có răng rất nhỏ, tràng hình trụ hơi phình ở giữa, có lông; nhị 4, chỉ nhị dài hơn bao phấn; bầu hạ. Quả hình bầu dục, có vết tích của đài tồn tại. Mùa hoa quả: tháng 1-3.

Phân bố và thu hái của tang ký sinh

Tang ký sinh thường có ở những nơi trồng cây dâu tằm. Tang kí sinh có mặt ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin…. Cây ưa sáng và ưa ẩm, ra hoa quả nhiều hàng năm. Tuy nhiên, ở những vùng trồng nhiều dâu tằm cũng hiếm khi gặp tang ký sinh.

Hạt giống của cây tang kí sinh được phát tán do chim hoặc một số loài động vật khác, trong quá trình ăn và tiêu hóa quả chín, đã đưa hạt tang ký sinh sang các cây dâu tằm khác. Bước đầu, hạt giống phải mắc được vào các kẽ nứt của vỏ hoặc hốc cây dâu tằm và gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm nhanh; các rễ cây từng bước len lỏi vào trong lớp vỏ cây chủ để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Trong trường hợp các cành lá của tang ký sinh bị thu hái, phần gốc và rễ ký sinh vẫn bám được ở cây chủ sẽ tiếp tục sinh trưởng phát triển.

Thành phần hóa học của tang ký sinh

Thân, lá tang ký sinh có quercetin, avicularin. Lá  chứa d–catechin, quercitrin và hyperosid. (Trung dược từ hải II, 1996).

Theo nghiên cứu của Chen Xihong và cộng sự, 1992, tang ký sinh chứa lectin với hàm lượng đường là 14%. Hàm lượng acid amin gốc acid cao, còn các acid amin base ít. (CA 117: 22098 z).

Ngoài ra, tang ký sinh có chất độc đối với tế bào nhất là tủy xương (CA 120: 235.542 p).

Toàn cây thu hái quanh năm, phơi hay sấy khô.

Vị thuốc tang ký sinh mang nhiều công dụng chữa bệnh
Vị thuốc tang ký sinh mang nhiều công dụng chữa bệnh

Tác dụng dược lý của tang ký sinh

Thí nghiệm trên động vật được sử dụng tang kí sinh dưới dạng cao lỏng cho thấy có tác dụng gây hạ huyết áp trên chó gây mê với liều 2g/kg thể trọng, gây giãn mạch ngoại biên trong thí nghiệm in vitro, làm giảm nhu động và trương lực cơ trơn ruột thỏ cô lập, làm an thần, kéo dài thời gian giấc ngủ gây bởi hexobarbital.

Công dụng của tang ký sinh

Tang ký sinh có vị đắng, tính bình, quy vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ gan thận, trừ phong thấp, mạnh gân xương, an thai, lợi sữa.

Tang ký sinh được dùng chữa phong thấp, gân cốt nhức mỏi, tê bại, lưng gối đau, động thai đau bụng, phụ nữ sau khi đẻ không có sữa. Ngày dùng 12 – 20g, dạng thuốc sắc hoặc nấu nước uống thay trà. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Chữa đau xóc hai bên hông ở phụ nữ có thai, dùng tang ký sinh tươi, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm nước gạn lấy một bát uống. Chữa đại tiện ra máu, lưng gối đau, yếu sức, dùng tang ký sinh phơi khô, tán bột, mỗi lần uống 4g với nước ấm.

Trong y học Trung Quốc, tang ký sinh được coi là có tác dụng kích thích sự tạo máu, để điều trị thiếu máu và chảy máu ở phụ nữ mang thai và sau khi đẻ, thấp khớp, đau kinh và tăng sức khỏe ở người bị bệnh mạn tính.

Tang ký sinh còn được dùng phối hợp với các thuốc khác để điều trị tăng huyết áp, trẻ em bị di chứng bại liệt, tay chân tê liệt, động thai, thiếu sữa, phù thũng, đau dạ dày, tâm thần phân liệt. Ngày dùng 8 – 12g, dạng thuốc sắc và thuốc hãm. Ở Ấn Độ, nhân dân dùng lá tang ký sinh giã đắp tri mụn nhọt, lở loét.

Nguồn: sieuthithuocviet.edu.vn


Deprecated: Function WP_Query được gọi với một tham số đã bị loại bỏ kể từ phiên bản 3.1.0! Hãy sử dụng ignore_sticky_posts thay cho caller_get_posts (sẽ sớm bị loại bỏ) in /home/thuocviet/domains/sieuthithuocviet.edu.vn/public_html/wp-includes/functions.php on line 5697

Bài viết cùng chuyên mục: